Sau drama tình ái của ViruSs, dư luận xôn xao về tác động tiêu cực từ nội dung nhảm nhí, ít giá trị. Chuyên gia truyền thông cảnh báo về hiện tượng “thối não” trên mạng xã hội.
![]() |
Ngày 29/3, ViruSs livestream xin lỗi và tuyên bố khép lại mọi ồn ào trong khi các bên khác cũng im lặng sau đó. Ảnh: Đặng Tiến Hoàng, Diệu Huyền (Pháo)/Facebook. |
Bài đăng với hơn 85.000 lượt cảm xúc, 10.000 bình luận và gần 800 lượt chia sẻ đã tóm gọn dư âm vụ việc: Ngọc Kem tăng follow, Pháo có hit top 1 trending (danh sách thịnh hành của YouTube – PV) mà không cần PR (hoạt động quảng bá), ViruSs livestream đối chất liên tục, thu về tiền tỷ (chưa kiểm chứng). Còn cộng đồng mạng thì mất thời gian, cảm xúc, nhưng đến cuối vẫn không thấy bằng chứng hay cái kết rõ ràng.
Tất cả bắt đầu bằng livestream của Ngọc Kem tố bị phản bội, tiếp nối là phản hồi từ ViruSs và MV ẩn ý của Pháo. Đỉnh điểm là buổi livestream đối chất thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem. Ngày 29/3, ViruSs xin lỗi, khép lại mọi ồn ào. Các bên liên quan cũng im lặng sau đó.
Cách mọi thứ bung ra và khép lại như được lên lịch khiến nhiều người nghi ngờ đây là một chiến dịch truyền thông được dàn dựng tinh vi. Tuy nhiên, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh phủ nhận điều đó và chỉ ra vấn đề lớn hơn: Nội dung độc hại ngày càng được yêu thích.
1,6 triệu người xem màn đấu tố
Theo ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông và tổng giám đốc Le Group, mọi thứ trong vụ việc này diễn ra tự phát, thiếu tính toán và trên hết là không có lợi cho người trong cuộc.
“Nếu đó là chiêu trò truyền thông của ViruSs thì nghĩa là anh ta lấy đá ghè chân mình. Được lợi một ít tiền nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh thương hiệu về lâu dài, chắc chắn là mất nhiều hơn được”, ông nhận xét.
Tuy nhiên, dù không ai chủ động tạo kịch bản, cách drama tình cảm lan truyền mạnh mẽ lại đặt ra câu hỏi về chất lượng nội dung trên môi trường số hiện nay: Vì sao những nội dung giật gân, bê bối lại dễ trở thành xu hướng?
Ông Vinh nhắc đến từ “brain rot” (tạm dịch: thối não), từ khóa được Oxford bình chọn là “Từ của năm 2024”. “Thối não” chỉ tình trạng suy thoái về tinh thần hoặc trí tuệ do tiêu thụ quá mức một loại nội dung “tầm thường hoặc không có thách thức”. Theo ông, đây không còn là trường hợp đơn lẻ mà trở thành vấn đề lớn của xã hội.
![]() |
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh chỉ ra vấn đề lớn về nội dung độc hại từ drama của ViruSs. Ảnh: Đức Huy. |
Ông Vinh khẳng định tiềm năng của nội dung trực tuyến là rất lớn, nhưng song song với đó là sự trỗi dậy của nội dung ngắn, gây sốc, dễ tiếp cận nhưng nghèo nàn về chiều sâu.
“Khi giới trẻ trở nên phụ thuộc vào những nội dung đơn giản và hấp dẫn này, họ dần đánh mất khả năng dành thời gian cho việc tiếp cận các tài liệu tốn thời gian hơn, như sách, bài báo học thuật, hay các tác phẩm nghệ thuật sâu sắc”, chuyên gia truyền thông phân tích.
Ông Vinh chỉ ra thêm nhiều tác hại của việc tiêu thụ nội dung hời hợt, có yếu tố bạo lực, phản cảm như: khó khăn trong việc đánh giá và tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng, giảm sút khả năng phản biện và tư duy độc lập, mất cơ hội trải nghiệm những cuộc trò chuyện có chiều sâu và kết nối tình cảm mạnh mẽ…
“Một nền văn hóa đơn điệu và nghèo nàn đang dần hình thành, nơi mà sự sáng tạo và chiều sâu của tư duy trở thành những giá trị không còn được đề cao”, ông Vinh cảnh báo trong bối cảnh nội dung hời hợt, giải trí ngày càng được ưa chuộng thay vì các kiến thức sâu.
Một chuyên gia khác là Huy Phạm bày tỏ: “Tại sao nhiều người chê trách ViruSs, chẳng phải do mấy bạn nữ kia ham tiền, mê vật chất mới đu tới anh sao, sao không thử đặt câu hỏi như vậy đi?”